TIÊN TRI VÀ SỨ GIẢ Như vậy, ta hãy tìm hiểu rõ hơn về hình dáng, cuộc sống và sứ điệp của Đức Giê-su Ki-tô. Hãy bắt đầu với Gio-an: „Từ khởi thuỷ là Lời / và Lời đã trở thành thịt / và ở giữa chúng ta, / và chúng ta đã thấy vinh quang của Lời, / vinh quang của Con một của Cha, đầy ân phúc và chân lí“. Hẳn đây là đoạn mở đầu cao sang nhất xưa nay chưa từng được viết ra trên thế giới. Những lời đầu tiên của Tin Mừng Gio-an là nhịp cầu nối liền lịch sử tạo dựng, nguồn cội mọi loài, với biến cố đã xẩy ra ở Pa-les-tin . Chúng nói lên điều này: Logos / Lời sáng tạo làm nên thế giới kia đã hiện thân trong con người Giê-su. Nguồn lực sáng tạo thế giới, như vậy, đã đi vào trần thế và nói chuyện với ta. Một mâu thuẫn lớn đã xẩy ra: Thiên Chúa quá vĩ đại để có thể trở nên bé bỏng. Và bé bỏng đến mức Ngài gặp gỡ ta qua thân xác một con người. Thiên Chúa không đơn giản từ trời rơi xuống và trình diện trước mặt ta, nhưng Ngài đã xuất hiện qua một biến cố lịch sử, biến cố đó là một con đường dẫn tới Ngài. Trên con đường đó, có thể nói, người ta đang chờ Ngài và sứ điệp của Ngài có thể được ta nghe biết. Gio-an tẩy giả là sứ giả trực tiếp của Đức Ki-tô. Tin Mừng viết: “Ông tới như một người chứng, để làm chứng cho Ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”. Trong biến cố lịch sử kia, xét về thời điểm lịch sử, đã có một tiên tri, một chứng nhân cuối cùng, xuất hiện trước Đức Giê-su. Gio-an làm phép rửa là đại diện của một thứ phong trào cảnh tỉnh. Is-ra-en sôi bỏng lúc đó đang nóng lòng về một vị cứu tinh, một Messias. Dân tộc này bị ngoại bang thống trị, vẫn luôn mang trong mình hi vọng được giải phóng, và họ tin là chuyện đó sẽ trở thành hiện thực. Mặt khác, đó là một thời không có tiên tri. Xem ra ánh sáng tiên tri lúc đó đã tắt. Gio-an đến từ sa mạc, và ông giảng điều mới mẻ. Ông bảo, ông là “tiếng kêu trong sa mạc”. Ông làm phép rửa liên tục “bên kia bờ sông Gio-đan”, như sách chép. Và hôm đó, khi thấy Đức Giê-su tới với mình, ông đã nói một câu đầy bí ẩn: “Hãy xem Con Chiên Thiên Chúa, đấng xoá tội trần gian. Đây là người mà tôi đã nói: Sau tôi sẽ tới một người, người đó vượt trước tôi, vì người đó có trước tôi”. Gio-an xuất hiện nơi sa mạc như một người được Thiên Chúa thánh hiến. Thoạt tiên, ông giảng về hối cải, thanh tẩy và tụ tập dân chuẩn bị cho Chúa đến. Việc rao giảng đó, có thể nói, là tóm tắt toàn bộ lời tiên tri dẫn vào đúng lúc lịch sử đang hối hả tiến tới mục tiêu của nó. Sứ mạng của Gio-an là mở tung cánh cửa ra cho Chúa, để dân Is-ra-en sẵn sàng đón nhận Ngài và chuẩn bị giờ lịch sử cho Ngài. Có hai điều quan trọng: thứ nhất, những bài giảng hối cải của ông chứa đựng toàn bộ lời tiên tri; thứ hai, việc chứng tá của ông về Đức Ki-tô đã cụ thể hoá các lời tiên tri đó, qua hình ảnh con chiên, nay là Con Chiên Thiên Chúa. Ta hãy nhìn lại câu chuyện của Ab-ra-ham và I-sa-ac, nhìn lại chuyện tế thú vật mà trong đó chiên giữ vai trò quan trọng, đặc biệt phải có chiên làm của lễ trong dịp vượt qua. Giờ đây đã hoàn tất mọi nỗ lực thay thế đó. Đối với chúng ta, chiên vượt qua trên nguyên tắc là người. Giờ đây Chúa Ki-tô là chiên vượt qua, như thế là Ngài chia sẻ thân phận của ta và làm biến đổi thân phận đó. Câu thứ hai là một nhắc nhở nhẹ nhàng về thiên tính nơi Đức Giê-su Ki-tô, cho dù điều này Gio-an đã chưa nghĩ tới hết và nói ra hết. Ông bảo, đây không phải là một nhân vật lịch sử nào đó, nhưng là một kẻ vượt lên trước tất cả chúng ta, kẻ đến từ muôn đời Thiên Chúa và là vị thân tín của Ngài. Tổ phụ Gia-cóp có lẽ đã diễn tả thời điểm vị Cứu tinh này xuất hiện giống như vào lúc Đức Ki-tô giáng sinh. Đó là lúc nhiều người mất đức tin, đám Pha-ri-sêu thì, như sách chép, sống trong kiêu căng và lạnh lùng, những người khác cảm thấy mình như một đàn thú không có người chăn. Ước mong về một vị Cứu tinh đã trở nên nóng bỏng cả nơi dân Do-thái lẫn nơi lương dân. Tiên tri I-sai-a than thở: “Xin trời hãy đổ người công chính xuống!”, “Mây hãy mưa người công chính xuống!”. Nhưng phải chăng những lời báo trước về Đức Ki-tô đó chỉ mới được bịa ra sau này? Phần đầu câu hỏi của anh có lẽ liên quan tới cái gọi là lời chúc lành của Gia-cóp (Kn, 49), lời đó gồm một số lời hứa đầy bí ẩn cho mười hai con trai của Gia-cóp. Lời chúc cho Giu-đa như thế này: “Nước thống trị sẽ không rời khỏi Giu-đa và gậy quyền hành không rời chân nó, cho đến khi nào vị xứng đáng và được muôn dân tuân phục đến” (49, 10). Lời này sau đó được coi là lời hứa cho vương quốc Đa-vít (Đa-vít thuộc dòng dõi Giu-đa), và đến khi vương quốc này bị xoá sổ - nghĩa là vào thời Đức Giê-su – nó được coi là lời hứa cho một con trai Đa-vít mới, là đấng Messias, đấng mà cả các dân tộc ngoài Do-thái đều vâng phục. Hẳn nhiên, ki-tô hữu coi con trai Đa-vít mới đó là Đức Ki-tô. Nhưng thời điểm Đức Ki-tô đã chưa được viết ra, những câu trên (mà các học giả vẫn chưa thống nhất về thời gian xuất hiện) đề cập tới một điều đang tới với đầy bí ẩn, và ngữ nghĩa của chúng chỉ được sáng tỏ dưới ánh sáng của Đức Ki-tô. Giờ hãy nói về tiên tri I-sai-a. Thật ra I-sai-a đã nói: “Trời của các ngươi hãy đổ sự công chính”. Nhưng sau khi sự công chính đó hiện thân qua một người, ki-tô hữu mới đọc nó theo kiểu nhân cách hoá. Ta cũng có thể đọc và hiểu tương quan thống nhất giữa Cựu và Tân Ước như một lối mở đường như thế. Lời cựu ước hướng về Đức Ki-tô, lời đó đồng thời kiếm tìm Ngài từ trong bóng tối. Dĩ nhiên, người ta có thể coi Cựu Ước không có liên hệ gì tới Đức Ki-tô. Nhưng như thế thì lời sẽ khó hiểu, vì thật ra chúng hướng về Ngài. Và dù cho người Do-thái không thể coi Đức Ki-tô là vị đã hoàn thành những lời đó, thì đó chẳng phải là vì họ có ác í gì, song cũng là vì sự khó hiểu của lời kinh, và vì tương quan căng thẳng giữa hình dạng Đức Ki-tô với lời cựu ước. Với Đức Ki-tô, Cựu Ước mang một nghĩa mới – và chỉ nhờ Ngài mà những lời cựu ước mới nhận ra liên quan, hướng đi và ý nghĩa của chúng. Như thế, có thể loại trừ yếu tố Đức Ki-tô ra khỏi Cựu Ước. Mà cũng có thể làm ngược lại. Cả hai lập luận đều có lí do chính đáng. Đó là cuộc tranh luận hiện nay giữa người Do-thái và ki-tô hữu. Nhưng không chỉ giữa hai tập thể đó mà thôi. Một số đông các nhà chú giải theo khuynh hướng thuần phê bình lịch sử cũng không chấp nhận tính cách con đường và dẫn đường của Cựu Ước, và họ xem lối diễn giải của Ki-tô giáo là không hợp hay đi quá xa nguyên nghĩa lịch sử. Tóm lại: Cựu Ước không phải là một thứ bói toán, mà là một con đường. Điểm này người ta có quyền tự do chấp nhận hay không. Theo tôi, chính việc tồn tại của Cựu Ước đã là một bảo chứng nói lên Cựu Ước tự nó có ý nghĩa. Cựu Ước rõ ràng có trước Đức Ki-tô về mặt lịch sử, cũng như đức tin của người Do-thái và kinh sách của họ có trước Ki-tô giáo. Các giáo phụ thẳng thắn coi việc người Do-thái công nhận Cựu Ước và phủ nhận Đức Ki-tô là sứ mạng lịch sử nhằm bảo đảm cho tính xác thực và tuổi tác của các sách thánh của họ. Vì thế, các ngài bảo, người Do-thái đã phải tiếp tục là Do-thái, chứ không trở thành ki-tô hữu. Cựu Ước tự nó vẫn có nghĩa, nhưng nếu ta đọc nó với Đức Ki-tô, thì nó mới toát ra ý nghĩa mới và mở ra một cái nhìn toàn diện.
|